KỲ 4: KẾT LUẬN NHỮNG CÁC NỘI DUNG ĐÃ NÊU TRONG KỲ [1], [2], [3]
Thứ nhất: Hoạt động khảo sát, nghiên cứu đánh giá 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải của 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 – KIEP – EPT tư vấn JAPC đều áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Đối với những nội dung mà tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam chưa có, chưa đầy đủ, hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ thì đã áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Liên bang Nga và của Nhật Bản, được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng.
Thứ hai: Cả 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải đều thoả mãn những điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Thứ ba: Kết quả khảo sát, nghiên cứu đã được lập thành hồ sơ để lưu giữ và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. EVN đã trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được Tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.
Như vậy, nhiệm vụ đánh giá hai địa điểm đồng thời được thực hiện trong giai đoạn Nghiên cứu khả thi (FS) của hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 đã được triển khai bởi hai đối tác chính của Việt Nam là Liên bang Nga và Nhật Bản từ 2010 đến cuối 2014. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ FS và đánh giá địa điểm cho mỗi dự án đều hơn 30 triệu USD, được Chính phủ Nga, Nhật Bản cấp cho Việt Nam (dưới dạng viện trợ không hoàn lại). Trong đó, kinh phí để nghiên cứu, khảo sát và đánh giá mỗi địa điểm đều hàng chục triệu USD.
Việc xác định được hai địa điểm này đã mất nhiều công sức và thời gian (như đã đề cập trong kỳ 1, kỳ 2 của chuyên đề này), việc đánh giá được địa điểm có phù hợp cho nhà máy điện hạt nhân hay không, và để có được các kết luận nêu trên cũng mất nhiều năm, với kinh phí lớn. Các nghiên cứu, đánh giá, kết luận của quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận) là những sản phẩm có giá trị lớn.
Qua các kỳ [1], [2], [3] có thể rút ra một số kết luận sau:
1. Để tìm ra được 10 địa điểm tiềm năng phục vụ cho quy hoạch địa điểm xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam (và trong đó) lựa chọn ra 2 địa điểm thích hợp nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, chúng ta đã phải trải qua hơn 10 năm ròng (từ 1996 đến 2007) để thực hiện các nội dung công việc của công đoạn 1 gồm 3 pha liên tục trong Quy trình tìm kiếm, lựa chọn địa điểm.
Thực hiện công việc của công đoạn 1, chúng ta đã huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và các chuyên gia từ Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Cùng với đó là đội ngũ chuyên gia độc lập trong nước, các chuyên gia của Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ tư vấn về phương pháp luận và các nội dung chuyên môn liên quan. Chi phí cho công việc này lên tới nhiều chục tỷ VNĐ. Kết quả đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, đánh giá, thông qua và trình phê duyệt.
2. Để có được bộ hồ sơ trình phê duyệt 2 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, các đối tác là liên danh tư vấn E4 – KIEP – EPT (Liên bang Nga) và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) đã tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá 2 địa điểm nói trên theo đúng các yêu cầu nội dung công việc của công đoạn 2 trong Quy trình tìm kiếm, chọn lựa địa điểm.
Trong suốt 5 năm thực hiện (từ 2011 đến 2015), ngoài việc bổ sung, cập nhật và xử lý toàn bộ các thông tin đã có của công đoạn 1, các đối tác là liên danh tư vấn E4 – KIEP – EPT (Liên bang Nga) và JAPC đã thực hiện khoan thăm dò địa chất công trình với hàng chục lỗ khoan các loại và hàng nghìn mét khoan sâu để thu thập các mẫu đất, đá… mang về Nga, Nhật Bản phân tích, đánh giá. Hai đối tác cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trạm quan trắc địa chấn để theo dõi và thu thập các thông tin cần thiết liên quan. Chi phí cho công việc này lên tới nhiều chục triệu USD.
Kết quả đã lập được 2 bộ hồ sơ trình phê duyệt 2 địa điểm, nhưng phía Việt Nam chưa tổ chức được việc xem xét, đánh giá và thẩm định 2 bộ hồ sơ này do nhiều nguyên nhân khác nhau.
3. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua một thời gian dài tìm kiếm, khảo sát, lựa chọn, đánh giá địa điểm dựa trên cơ sở các phương pháp luận khoa học và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt.
4. Diện tích các địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không lớn, khoảng 824 ha (tính cả diện tích vùng cách ly 500 mét từ hàng rào Nhà máy). Tuy nhiên, diện tích cần thiết nhiều hơn do phải dành khu vực đệm cho Nhà máy. Khu vực địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) chỉ toàn là đồi cát. Do đó, việc sử dụng các địa điểm này cho năng lượng gió, mặt trời cũng chỉ mang lại hiệu quả không đáng kể.
Kỳ tới: Quan điểm của tỉnh Ninh Thuận và một số kiến nghị của chuyên gia điện hạt nhân, Tạp chí Năng lượng Việt Nam
TS. LÊ VĂN HỒNG, TS. TRẦN CHÍ THÀNH
Hi, this is a comment.
To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
Commenter avatars come from Gravatar.